Thư viện Quốc gia Trung Quốc đã xây dựng nhiều tủ sách lớn. Mỗi tủ sách tập trung một chủ đề trọng điểm tạo nên hệ thống, mạng lưới sách đồ sộ, mang đậm dấu ấn dân tộc.
Trung Quốc là đất nước có nền văn hóa lâu đời, là một trong những cái nôi văn minh của nhân loại. Trong đó, di sản quan trọng và nổi bật nhất chính là kho tàng sách đồ sộ. Sách lưu trữ suy nghĩ và hành động của con người qua từng thời kỳ, đồng thời tiết lộ sự phát triển và tinh thần của nền văn hóa đất nước.
Hiện tại, chính phủ Trung Quốc đã có hàng loạt dự án tạo dựng các tủ sách độc lập do Thư viện Quốc gia nước này thực hiện nhằm giữ gìn các giá trị truyền thống và tôn vinh tinh hoa dân tộc.
Nhiều tủ sách hiếm, sách kinh điển
Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, di sản sách cổ, quý hiếm của Trung Quốc dần bị hư hại, biến mất. Chính vì lẽ đó, năm 2007, Thư viện Quốc gia Trung Quốc đã xây dựng dự án “Bảo tồn sách cổ Trung Quốc” nhằm lưu giữ có hệ thống các văn bản, tác phẩm cổ một cách đầy đủ nhất. Đây được xem là dự án đầu tiên của chính phủ nước này nhằm bảo tồn sách cổ quốc gia.
Nắm vai trò chủ đạo trong việc tạo dựng tủ sách là các chuyên gia về khảo cổ và các chuyên gia ấn bản. Đội ngũ này sẽ nghiên cứu, thẩm định và tái hiện chi tiết hình ảnh những cuốn sách cổ quý hiếm, đồng thời hỗ trợ việc so sánh các phiên bản và chỉ ra nguồn gốc, sự phát triển của sách cổ.
Cho đến nay, sau gần 14 năm triển khai, tủ sách này đã có hơn 1.300 ấn bản được chia thành nhiều bộ sưu tập riêng biệt như “Sách cổ thời chiến quốc”, “Sách cổ thời nhà Minh”, “Sách cổ đời nhà Thanh” và “Sách cổ bằng ngôn ngữ dân tộc thiểu số”…