“Lịch sử đẹp lắm, nhưng người trẻ có hiểu được? Cái này là ‘con hư tại mẹ, cháu hư tại bà’, lỗi do thế hệ chúng tôi không dạy, chứ không trách các bạn xa rời lịch sử. Không hướng dẫn, không chỉ được cái hay cái đẹp cho ‘nó’ mà bắt ‘nó’ yêu, khác nào bảo cưới vợ mà không cho biết mặt”, giáo sư bày tỏ.
– Hễ điện thoại là ông lại đang ở tận phương trời nào, ông bận những công việc gì mà khủng khiếp vậy?
– Ô hay chửa? Thế tôi hỏi cô cái thứ văn nghệ dân gian nó ở đâu? Giữa phố phường hay ở nhà quê nhà mùa? Tôi cứ ôm chặt chốn thị thành, ví phỏng di sản nó tự tìm về với tôi chắc? Chả thế mà “dân tình” cứ gọi Hội Văn nghệ Dân gian này là “Hội Nhà quê”.
– Nhưng nay đây mai đó mỗi nơi một tý, nghe chừng cũng chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa”. Ông nghĩ sao?
– Đã nghe “một người lo bằng cả kho người làm” chưa? Thất thập lục rồi, tôi chỉ có lo thôi, chứ làm lụng thế nào nữa.
– “Người lo” uy tín nhớn, ông thấy sao khi phải gánh vác non sông khí lâu?
– Do tham quyền cố vị. Bốn nhiệm kỳ rồi, cái ghế của tôi gỉ đến nơi. Đùa vậy, chứ anh em còn tin tưởng, còn bỏ phiếu thì tôi còn làm. Được làm điều mình thích thì vất vả mấy cũng… vô tư.
– Điều ông thích là gì?
– Được gần gũi với tài năng sáng tạo của con người. Văn hóa nằm ngay trong bàn tay những người nông dân chứ đâu xa. Thử ngẫm mà xem, mỗi thứ đơn giản nhất đều là một phát minh. Như cái anh nước rau muống luộc đánh giấm me, rõ là một phát minh lớn, không tin thử đánh giấm khế, hay giấm dọc xem có nhá nổi không nào.
– Kết quả của những chuyến ngao du làm “điều mình thích” ấy ra sao?
– Hàng chục nghìn trang tư liệu, hàng nghìn công trình nghiên cứu về di sản phi vật thể được sưu tầm, tập hợp và mang về… cất vào tủ. Xin thưa, những cái tủ của tôi là “trang trại nuôi gián và muỗi”. Công trình nghiên cứu xin cứ mời về, rồi ở yên trong đấy. Khéo chừng đến 50 năm nữa cũng chẳng ai sờ đến các “vị”.
– Như thế, chả hóa ra “Hội Nhà quê” đang làm việc vô ích. Ông thấy sao?
– Vớ vẩn. Cứ sưu tầm, cứ cất đi. Ngủ với gián thật, nhưng chẳng mất đi đâu mà sợ. Ngôn từ chuyên môn chúng tôi gọi là bảo tồn tĩnh. Không thì nó mai một khi nào còn chẳng biết. Tỉ như quy trình nhuộm răng đen đấy, giờ có còn ai biết nó như thế nào?
– Vì cớ gì mà di sản truân chuyên thế?
– Các nhà xuất bản chỉ in cái gì bán được. Mà công trình nghiên cứu văn nghệ dân gian thì bị liệt vào dạng “ê sắc”. Tuổi trẻ còn mải “sưu tầm” sách văn học hiện đại. Cũng chả trách được.
– Quay lưng với lịch sử, tại sao lại không đáng trách?
– Hỏi ngược lại nhé, cô có biết thế nào là gàu dai, thế nào là gàu sòng không? Vấn đề là ở chỗ đó. “Quy tội” thì có vẻ to, nhưng đi vào vấn đề cụ thể thì lại rất dễ hiểu. Ví thử bây giờ “chúng tớ” in một cuốn sách nghiên cứu về các loại gàu tát nước, liệu có bao nhiêu người mua. Mặc dù bao nhiêu loại gàu là bấy nhiêu thứ gắn với phong tục, tập quán canh tác của người dân các vùng miền.
– Phải chăng đấy là lý do chính khiến độ tuổi trung bình của các hội viên là… trên 50?
– Chính xác. Văn nghệ dân gian không được giảng dạy trong nhà trường. Còn xã hội thì đang mất dần đi cơ sở để nó tồn tại. Muốn làm phải có vốn sống, phải lăn lộn, bới móc trong thực tế. 40 mới vào nghề, “thành người” thì đã nửa trăm rồi.
– Nói vậy, tương lai của cái đẹp dân gian nghe chừng bi đát. Ông nghĩ sao?
– Không hề. Cái “trang trại nuôi gián” của tôi đây là vô giá. Rồi chắc chắn có ngày con cháu ấm no, đầy đủ… sẽ có nhu cầu tìm về nguồn cội, sẽ muốn biết, muốn hiểu cha ông chúng là ai? Lúc đó chắc tôi đã… ngủ với giun rồi, nhưng tôi tin lũ gián rồi sẽ đến thời mất nơi nương tựa, trang trại nào chẳng đến lúc phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
(Theo Lao Động)
Nguồn: https://vnexpress.net/giao-su-to-ngoc-thanh-vat-va-may-toi-cung-vo-tu-1884340.html