Theo bạn, chiến tranh là gì? Chiến tranh là cuộc xung đột vũ trang giữa các quốc gia, chính phủ, xã hội hoặc các nhóm bán quân sự như quân nổi dậy, dân quân,… do sự mâu thuẫn về sắc tộc, tôn giáo nhằm tranh giành lợi ích về kinh tế và chính trị. Chiến tranh đã để lại nhiều đau thương, mất mát về người và của, thiên nhiên bị tàn phá nặng nề và các cơ sở hạ tầng trở thành một đống đổ nát. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống Mỹ ở nước ta thời điểm ấy là vô số ví dụ điển hình về các cuộc chiến tranh gây ra thảm họa tàn khốc trong lịch sử. Tuy chiến tranh đau thương, mất mát là thế nhưng trong nó vẫn toả lên những tia sáng ấm áp của tình yêu thương giữa con người với nhau trong thời chiến, đặc biệt là tình yêu đôi lứa. Tình yêu đôi lứa trong chiến tranh thời ấy, tôi không biết qua các tác phẩm văn học mà các bạn đã được học, các bạn có cảm nhận như thế nào? Nhưng đối với tôi, là thế hệ con cháu sống trong thời bình thì chắc chắn không thể nào cảm nhận được hết cách mà ông bà ta hồi xưa đã yêu nhau như thế nào? Cách ông bà quan tâm nhau ra sao? Tình yêu thời chiến có gì khác so với tình yêu thời đại ngày nay hay không? Cuốn sách “Thư cho em” của tác giả Hoàng Nam Tiến sẽ cho chúng ta biết rõ hơn về tình yêu sâu đậm của ba mẹ ông trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Cuốn sách này sẽ đưa bạn quay về dòng thời gian của cuộc chiến tranh năm ấy, các bạn sẽ chứng kiến được chuyện tình tướng Hoàng Đan và vợ ông như thế nào? Cách họ quen nhau, yêu nhau và nên duyên vợ chồng ra sao đều thể hiện hết trong cuốn sách này.
I. Đôi nét về tác giả và tác phẩm
Hoàng Nam Tiến, sinh năm 1969, quê ở Nghệ An. Ông là Nguyên chủ tịch FPT Software, FPT Telecom, Tập đoàn FPT. Hiện tại, ông đang giữ chức vụ Phó chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT để tập trung vào các chương trình đào tạo sau đại học. Ngoài được biết đến với vai trò là một nhà quản trị, chuyên gia công nghệ, nhà giáo, giờ đây ông còn thử sức với vai trò là một người viết sách với cuốn sách đầu tay “Thư cho em”.
“Thư cho em” là một cuốn sách kể về chuyện tình tướng Hoàng Đan và vợ ông là bà An Vinh qua lời kể của con trai là tác giả Hoàng Nam Tiến trong giai đoạn của cuộc kháng chiến chống Pháp lần thứ hai năm 1946 kéo dài đến khi nước ta giành được độc lập, thống nhất năm 1975. Tình yêu của ông bà chủ yếu thể hiện qua hơn 400 bức thư vì tính chất của cuộc chiến tranh thời ấy mà ba tác giả phải đi bộ đội xa nhà cộng thêm đường xá thời chiến tranh đi lại rất là khó khăn, hiểm trở nên họ phải sống xa nhau suốt hơn 30 năm. Theo lời mở đầu của Hoàng Nam Tiến, ông đã viết: “ Suốt hơn ba mươi năm, tính từ ngày ba mẹ ăn hỏi vào mùa xuân năm 1953, họ chẳng mấy khi bên nhau: ăn hỏi xong ba đi luôn chiến dịch Điện Biên Phủ; miền Bắc hoà bình; họ cưới nhau, nhưng ba ở Hà Nội, mẹ công tác trên Lạng Sơn; đến khi mẹ được về Hà Nội thì ba đi Liên Xô học cao cấp quân sự.” Mặc dù tướng Hoàng Đan và vợ ông xa nhau nhiều năm như vậy nhưng khoảng cách về địa lý, thời gian và không gian cũng không khiến tình yêu của họ giảm bớt đi mà còn khiến tình yêu của cả hai ông bà trở nên sâu sắc hơn.
II. Đi Điện Biên Phủ về, ta cưới!
Khi tình chớm nở
Ở trong phần đầu này, tác giả Hoàng Nam Tiến đã giới thiệu ba mẹ ông cùng quê là Nghệ An nhưng hai người có hoàn cảnh khác nhau: ba là Hoàng Đan, xuất thân từ gia đình khá giả được ông bà nội cho đi học rất tử tế. Mẹ ông là Nguyễn Thị An Vinh vốn xuất thân cũng khá giả, có ba làm ăn buôn bán có tiếng nhưng vì thói mê cờ bạc nên khiến cho gia cảnh của bà trở nên nghèo túng. Mẹ của ông đã được bác Phượng – chị gái của ba đón về làm giúp việc, được yêu thương, được cho đi học và thậm chí bà còn được bác Phượng nhắm bà cho ba của ông. Ngay từ lần đầu tiên gặp mặt, họ đã không có ấn tượng gì về nhau vì trong mắt tướng Hoàng Đan chỉ thấy bà là một cô bé gầy gò nhỏ xíu không có gì đặc biệt. Mãi đến khi ba ông đi qua trường học kháng chiến cùng với quân đội thì ba ông đã mang nặng một nỗi nhớ thầm về nụ cười rạng rỡ của người con gái ấy. Tình cảm của ba tác giả bắt đầu nảy nở khi ông mua một cây bút khắc chữ Đ và chữ V đứng cạnh nhau và ông có khao khát cưới bà về làm vợ. Hành trình cưới vợ của thiếu tướng Hoàng Đan rất gian nan, vất vả bắt đầu từ việc ông dạm hỏi bà ở Cửa Hội, Nghệ An. Ba tác giả phải đưa ra một quyết định táo bạo là thuyết phục chính uỷ trung đoàn cho phép mình rời đơn vị một ngày để hỏi vợ. Vì khi tham gia trận đánh quan trọng, nhất là trong giai đoạn chuẩn bị bí mật như chiến dịch Thượng Lào, không ai được phép rời khỏi đội ngũ. Việc xin về để hỏi vợ của ông là một hành động liều lĩnh và ông có nguy cơ bị kỷ luật nặng. Rất may mắn cho anh bộ đội Hoàng Đan là ông được nghỉ phép một đêm để về hỏi vợ. Vượt qua năm mươi cây số đạp xe về cưới vợ mà điều ông nhận lại chỉ là một không khí im lìm. Bà An Vinh đi họp phụ nữ trên huyện, định ngủ lại ở trụ sở thì bà nhận được tin “mẹ bà ốm”. Bà chạy một mạch về nhà. Khi bà chạy về đến nhà rồi thì bà thấy “anh Đan” ở giữa nhà, mọi người tập trung đông đủ. Lúc đó bà mới vỡ lẽ là hoá ra mẹ bà không ốm mà là “anh Đan” đến hỏi cưới mình. Cứ như vậy họ đã trở thành đôi. Tình yêu của họ chớm nở một cách tự nhiên, nhẹ nhàng và giản đơn như vậy trong hoàn cảnh nước ta chiến tranh diễn ra liên miên thì con đường tình yêu của cả hai người sẽ còn gian nan, thử thách rất nhiều.
III. Thắng Điện Biên Phủ, người lính về cưới vợ
Có thể nói chiến dịch Điện Biên Phủ là cột mốc đánh dấu kết thúc một trăm năm nước ta bị Pháp thuộc và chiến dịch này đã buộc chính phủ Pháp ký hiệp định Genève, chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương. Chiến thắng Điện Biên Phủ không những là chiến thắng lịch sử mà còn là thời điểm vàng để anh lính về cưới vợ sau buổi ăn hỏi chóng vánh. Quyết tâm cưới vợ luôn sôi sục trong lòng người lính trẻ, ông khoác ba lô trên vai, một người một xe, phăm phăm đạp thẳng hơn sáu trăm cây số từ Điện Biên Phủ về đến Nghệ An. Đường đi rất kinh khủng, lại vướng nhiều vùng có địch, nhưng ba vượt qua hết. Nhưng đến lúc tướng Hoàng Đan về thì ông hay tin là mẹ tác giả lên Thái Nguyên học. Đến Thái Nguyên rồi, ông cũng biết tin là bà đã tốt nghiệp, được cơ sở cử lên Lạng Sơn công tác. Quá đau khổ, cực nhọc vì vượt qua bao nhiêu cây số để cưới vợ nhưng bà An Vinh vẫn không thấy đâu. Lúc đó ông nghĩ hôn sự chắc phải đợi năm sau hoặc có thể năm sau nữa không biết trước được. Và ông oán trách bà sao yêu ông lại không ở lại Thái Nguyên để chờ ông về cưới? Khi đọc đến dòng này thì tôi thấy tội nghiệp tướng Hoàng Đan một phần, còn một phần vì tôi thấy được rằng bà An Vinh là một người phụ nữ hiện đại, khát khao được đi học để phát triển bản thân và tự lập kiếm sống không như phụ nữ thời phong kiến là họ chỉ có ở nhà trong bếp làm nội trợ, sinh con mà thôi.
Sau khi hỏi thăm đường đi Lạng Sơn thì ba tác giả sửa chữa xe đạp, tiếp tục đạp xe lên Lạng Sơn ròng rã ba ngày cuối cùng thì ông cũng đến. Khi tướng Hoàng Đan đến Lạng Sơn là ông biết chắc là vợ mình sẽ ở trong trạm thuế nên ông đã chỉnh sửa trang phục, chải tóc đẹp đẽ để ông đến gặp bà. Dù biết rõ là ba tác giả có ý định cưới mẹ nhưng mẹ ông vẫn lặng thinh và không cho ba một gợi ý nào cả. Sau bảy ngày, ông không thể chờ được nữa. Ông muốn đặt vấn đề cưới bà nhưng chỉ nhận lại lời từ chối thẳng thừng. Người đàn ông lúc ấy đã bàng hoàng, đã đau đớn, đã gục ngã vì người mình yêu khước từ lời đính ước. Ông đã định viết thư để lại cho bà, viết rồi xé, xé rồi lại viết… Ông đưa thư cho chị cùng cơ quan chơi thân với bà An Vinh, định sáng sớm đạp xe về và “chia tay” bà luôn! Thực tế thì mẹ tác giả từ chối ba là vì bà vẫn muốn chuyên tâm công tác và chưa muốn có con nên bà không biết cách giãi bày như thế nào? Nhưng sau tất cả thì “cô An Vinh” vì ái tình vẫn đồng ý cưới “anh Đan”. Còn “anh Đan” đã kiềm chế cơn giận và đồng ý với bà là sẽ không có con ngay để bà yên tâm công tác. Đó là sự tôn trọng cao nhất mà anh lính dành cho vợ của mình.
Hương gây mùi nhớ
1400 ngày cách xa, 400 lá thư xuyên lục địa
1960- 1965 là thời kỳ cách mạng Việt Nam nhận được sự hỗ trợ lớn từ Liên bang Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Xô Viết (Liên Xô). Từ năm 1956, Hiệp nghị giữa chính phủ Việt Nam và chính phủ Liên Xô về vấn đề học tập của công dân Việt Nam tại Liên Xô đã chính thức được ký kết. Sau Hiệp nghị này, Liên Xô đã trở thành điểm đến của nhiều “hạt giống đỏ” – những cán bộ nòng cốt nhất, ưu tú nhất của cách mạng Việt Nam. Họ được cử sang du học ở nhiều cấp bậc từ trung cấp đến đại học và sau đại học, trong mọi lĩnh vực từ văn hóa, khoa học, đến quân sự, chính trị đề có kiến thức, thiết lập các mối quan hệ, sẵn sàng trở về phụng sự sự nghiệp giải phóng dân tộc. Và ba tác giả là một trong số những cán bộ được cử đi sang Liên Xô du học. Trong rất nhiều bức thư ông viết cho vợ, ông đã dặn bà là thời gian hai người xa nhau sẽ không tính bằng tháng mà tính bằng năm. Đó không chỉ là câu chuyện của gia đình tôi mà còn là của cả một thế hệ. Hồi đó, thanh niên Nam có một lý tưởng lớn: giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Bác Hồ và miền Nam là hai điều luôn được ba mẹ và mọi người nhắc tới. Cả tiền tuyến và hậu phương dốc sức cho hòa bình. Vì vậy, ba tôi không nề hà bất kỳ sự phân công nào của tổ chức, ông có thể đi đến bất cứ đâu – nhà trường hay chiến trường, miễn là thực hiện được lý tưởng đó.
Trong thời gian cách xa ấy, đôi vợ chồng trẻ gửi cho nhau hơn 400 bức thư, nghĩa là chia trung bình tuần nào cũng gửi. Cả hai viết rất đều đặn, gửi hàng tuần, có tuần đến hai thư. Những bức thư đã làm một nhiệm vụ đặc biệt: chuyên chở tình yêu thương vượt qua các biên giới. Đó là rất nhiều yêu thương từ ba, rất nhiều nhớ mong của mẹ gửi gắm trong cuộc trò chuyện tưởng như bất tận của hai người Tình yêu của họ cũng vì vậy mà ngày càng trưởng thành. Tôi không biết thời nay các bạn yêu nhau như thế nào? Nhưng theo những gì tôi chứng kiến qua các cuộc tình của những đứa bạn, những anh chị đi trước thì việc yêu xa mà tình vẫn bền chặt là một điều hiếm gặp. Việc yêu xa sẽ khiến tình cảm của các cặp đôi dễ đến rồi cũng dễ đi theo năm tháng của thời gian.
Dòng tâm sự bất tận
Tháng 4/1961, ba mẹ tác giả viết cho nhau 17 lá. Thư đi dài ngày, họ không chờ nhận được của nhau rồi mới hồi âm mà cứ viết liên tục. Hoàng Nam Tiến đã sắp xếp lại các lá thư, làm gọn lại thành một cuộc nói chuyện để các bạn độc giả dễ hình dung. Khi đọc những lá thư viết trong năm 1961 thì tác giả thấy được ba mẹ đã ngóng thư của nhau, hờn dỗi rồi lại làm hoà và yêu thương nhau: “Không hiểu vì sao hai tháng này thư nhận không đều, hai ba tuần mới nhận được một lần, khác với trước đây tuần nào em cũng nhận được cả, tự anh không viết hay thư đi chậm, hay dạo này ít nhớ đến nhà hơn trước chăng…” Điều thú vị ở những bức thư này là bà An Vinh chê chồng chi tiêu tốn kém vào việc mua đồ (thậm chí vay nợ để mua) thông qua những dòng thư: “Sữa anh đừng mua nữa vì mua gửi bưu điện tiền cước đắt lắm.” “Anh nói mua xe đạp cho Hồng, em hoàn toàn không đồng ý, vì bé Hồng còn nhỏ chưa biết đi, nhà chật không có chỗ để, mà lúc biết đi hai anh em đi chung một cái cũng được nên không nên mua, nếu anh mua là anh không yêu em rồi. Có thừa tiền anh cứ cất dành đi, không có lúc cần mua gì lại không có.” Còn tướng Hoàng Đan kêu vợ tiết kiệm chưa… chuẩn và chia sẻ kinh nghiệm tiết kiệm của bản thân: “Theo anh em gửi hằng tháng cho thầy 15 đồng là được và mẹ nếu còn bệnh viện thì gửi đủ cho mẹ theo chỉ phí ở bệnh viện, còn khi về nhà rồi thì cũng gửi cho mẹ một tháng 10 đồng, như vậy hết 30 đồng. Em và con tiêu độ 60 đồng là 90 đồng, thì hằng tháng em cũng có thể gửi được vào ngân hàng độ gần 30 đồng. Anh góp ý kiến như vậy thôi cũng tùy tình hình ở nhà làm sao mẹ con tiêu cho đủ, sau này thì sau này sẽ hay, phòng khi bất trắc thì đã có ở ngân hàng. Cốt nhất ăn tiêu cho đầy đủ sức khỏe mà làm việc. Xa em anh chỉ mong cho em khỏe mạnh anh mừng.” “Anh nói ví dụ em nghe nhé, những thứ có thể tiết kiệm được. Bên này có hai loại xà phòng giặt, một thứ 2 hào một thứ 3 hào, giặt thì cũng như nhau nhưng có cái đắt hơn vì nó có thêm một vài thứ vào cho mùi dễ chịu hơn, anh thì chỉ xài thứ 2 hào thôi, một tháng đỡ được 1 hào. Hay giày đi nếu cà vào đế giày một lớp cao su thì đáng lẽ đi một đôi sáu tháng có thể đi được đến tám chín tháng nên anh cũng đóng vào, tuy có kém mỹ thuật đi một chút.” Sau khi đọc 17 lá thư xong, tác giả cảm thấy xúc động khi thấy ba mẹ khát khao ngày đoàn tụ và ước mong có một cuộc sống bình thướng hơn: “Anh ạ, nếu anh sống bên cạnh hai đứa con thì anh sẽ thấy tình yêu của chúng ta sâu sắc hơn, không ngày nào em không nghĩ đến anh, vì không ngày nào An nó không nhắc đến anh, nó càng nhắc nhiều chừng nào làm em càng nhớ nhiều chừng ấy.”
IV. Thư cho em giữa hai bên súng địch ta vẫn nổ
“Xa em biết bao nhung nhớ” 1970 – 1973
Cuộc chia tay nghẹn ngào
Vào chiến dịch Trị Thiên, mùa hè đỏ lửa 1972, tướng Hoàng Đan chuẩn bị đi, trầm ngâm ông không nói lời nào. Giây phút chia tay cả gia đình ông trèo hẳn lên ngồi trên chiếc xe com – măng – ca đít tròn của bà khi ấy, chiếc xe chuẩn bị đưa ba vào chiến trường. Một tay ông nội bế Hoàng Nam Tiến, một tay ông cầm chặt tay ba ông. Còn ba mẹ tác giả nhìn nhau. Cả ba người không nói lời nào.
Có con là bộ đội đi theo cách mạng thì chắc chắn một người làm cha làm mẹ ai cũng thương con và tự hào vì có con là người đánh trận mang lại hoà bình, ấm no cho đất nước. Nhưng lần này thì khác, Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc trở lại. Làng quê xơ xác. Thế hệ con cháu và trai gái ở quê cũng đã vào mặt trận hết, mà chiến tranh không dứt. Trong cái nắm tay của ông nội tác giả năm ấy là một nỗi lo mênh mông vô tận vì ông biết được rằng con trai ông có thể ra đi không trở về được nữa.
Tháng 3/1972, sau khi tạm biệt gia đình lên đường đi Quảng Trị, trong suốt sáu tháng liền, không có một lá thư nào từ ba gửi về cho gia đình. Đó là khoảng thời gian dài nhất ba mẹ mất liên lạc với nhau. Cả nhà sống trong sự im lặng nặng nề, khó tả. Mãi đến tháng Tám thì thiếu tướng Hoàng Đan mới gửi về cho vợ được một bức thư, báo tin bình an và chia sẻ nỗi nhớ nhà:
“Em Vinh,
Từ ngày xa em đến nay đã mấy tháng rồi nhỉ. Gần sáu tháng rồi. Thời gian cũng chưa lâu nhưng bao sự việc lớn đã xảy ra. Chia tay em, chia tay các con, anh vào Quảng Bình rồi cùng đơn vị vào chiến trường, chuẩn bị chiến đấu và ngày 30/3 bắt đầu chiến đấu. Từ đó đến nay cũng đã qua nhiều đợt. Đánh Tân Lâm, Mai Lộc rồi vào Dĩ Tử, La Vãng, thị xã Quảng Trị, hôm nay thì đã ở Thừa Thiên rồi.
Cuộc chiến đấu còn tiếp diễn và còn phải một thời gian nữa và được như anh mong thì tốt, tức là năm kết thúc được chiến tranh, năm nay sẽ có một Điện Biên của 1972, Điện Biên đánh Mỹ.
Tháng 5/1954 kết thúc đánh Pháp, anh về cưới em. Nếu năm nay kết thúc chiến tranh, anh về sống bên em thì đúng mười tám năm em nhỉ. Mười tám năm để làm nhiệm vụ đánh Mỹ. Xa nhau bao thương nhớ, nhưng nếu thắng lợi thì sự hy sinh đó cũng xứng đáng.
Anh vẫn khoẻ, năm nay chiến đấu liên tục. Khả căng thẳng nhưng anh vẫn chịu đựng được.
Hiện nay các con sơ tán ở đâu, thầy sơ tán ở đâu. em nói chú Niêm gọi điện thoại cho anh biết. Nhớ các con, đặc biệt nhớ bé Hải năm nay nó đã ba tuổi, chắc nó đã biết nhiều.
An đã kết thúc năm học như thế nào, dẫu sao cũng phải chuẩn bị cho nó học lớp 8. Bé Hồng có khỏe hơn không, nó có hay làm nũng nữa không. Em sức khỏe thế nào, mắt em có bình thường không. Xa nhau biết bao thương nhớ. Ngày gặp nhau sẽ nói chuyện nhiều. Nếu gặp anh Cương về Hà Nội thì anh Cương nói rõ chuyện chiến trường cho em, có lúc anh cũng ở một nơi với anh Cương.
Em cho anh gửi lời chúc thầy khỏe mạnh, thăm mẹ và các anh chị em.
Anh của em,
Vinh
(Bí danh của anh ở chiến trường là Vinh)”
(Thư ba gửi mẹ, cuối tháng 8/1972)”
Chiến tranh ác liệt là vậy. Dù nó có ác liệt, có gian nan, vất vả nhưng sau cùng tất cả cũng vì một đất nước độc lập, hoà bình, ấm no và hạnh phúc vì một thế hệ con cháu mai sau sẽ không phải chịu khổ, đi đánh trận nữa.
V. Một số câu trích dẫn hay của cuốn sách
Không có một quan niệm đúng, anh không thể có tình yêu không chút ngần ngại với em được. Anh đã hiểu vì lẽ gì anh yêu em, do đó anh vinh hạnh sung sướng được yêu em, con người của dân tộc, của giai cấp hay nói cái khác, con người phục vụ cho độc lập dân tộc và dân chủ nhân dân.
Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người…
Rất nhiều đôi vợ chồng bây giờ còn chưa hiểu được sự đồng điệu về mặt trí tuệ là hết sức quan trọng. Dù yêu nhau bao nhiêu, thương nhau thế nào, nhưng sự khác biệt quá lớn về đời sống văn hoá, tinh thần sẽ tạo ra khoảng cách, dần dần đẩy hai người yêu thương nhau về hai phía, cho đến khi tan vỡ hạnh phúc.
Có lần ba từng nói, trong chuyện vợ chồng, hơn cả việc là người vợ người chồng, ta cần phải là những người bạn của nhau. Là bạn thì quan trọng nhất là phải chia sẻ được với nhau các vấn đề trong cuộc sống từ nhu cầu, quan điểm. Muốn làm được như vậy thì rất cần sự đồng điệu – hợp nhau về tính cách, suy nghĩ… Là bạn thì rất cần nhẫn nại và bao dung nhau, vì cơ bản trong đời sống ai cũng nhiều lỗi lầm. Những điều này cũng quan trọng không kém sự hấp dẫn thể xác hay tình yêu mãnh liệt.
Để góp ý mà người kia hiểu, thì bạn phải là người rất tinh tế, khéo léo và sâu sắc. Bạn phải nghĩ cách diễn đạt làm sao để truyền tải đúng ý mà không làm đối phương tự ái. Bạn phải có lòng tự tin là người kia không giận, sẽ hiểu rằng bạn muốn chân thành chia sẻ với họ về quan điểm sống, muốn góp ý để cùng nhau hạnh phúc chứ không có ý chê bai hơn kém sang hèn.
Bất cứ ai nếu một lần bước qua bom đạn, bước qua những khoảnh khắc liền kề sống chết, những đổi thay dữ dội sẽ hiểu sự âu yếm, trìu mến nhớ thương có giá trị như thế nào.
Nam Tiến là khát vọng hòa bình, quyết tâm lớn nhất của ba Đan – người chỉ huy cầm quân chiến đấu giải phóng miền Nam. Nam Tiến đại diện cho tinh thần dân tộc, tinh thần thời đại Hồ Chí Minh; thống nhất đất nước.
Anh nhìn đến đời chúng sau này anh càng sung sướng vì dù sao anh cũng thấy được người thật sự sống sung sướng là con chúng ta. Còn anh, anh đổi thanh xuân sôi nổi để cống hiến cho Tổ quốc, cho những năm tháng chiến tranh.
VI. Cảm nhận chung về cuốn sách “Thư cho em” của Hoàng Nam Tiến
Sau khi đọc cuốn sách này xong tôi thấy cuốn sách “Thư cho em” là một cuốn sách tình yêu thời chiến rất nhẹ nhàng, lãng mạn và trữ tình. Khi tôi đọc nó thì tôi không cảm thấy quá đau thương bởi chiến tranh khắc nghiệt như các tác phẩm văn học hiện thực mà tôi đã được học. Mặc dù cuốn sách này về chủ đề tình yêu đôi lứa thời chiến không phải là cuốn sách chủ đề mà tôi thích nhưng nó cũng cho tôi thấy được tình cảm của ông bà ta thời chiến có ý nghĩa đặc biệt và quan trọng như thế nào? Thúc đẩy, làm động lực cho họ vượt qua được sự khắc nghiệt và sự tàn khốc của chiến tranh. Đó là điều mà tôi cảm thấy thán phục ở cuốn sách này.
Tóm tắt bởi: Bảo Xuyên – Bookademy
Hình ảnh: Bình Minh
Nguồn: https://ybox.vn/vien-sach-bookademy/tom-tat-and-review-sach-thu-cho-em-tinh-yeu-thoi-chien-tranh-663f1f724a384e350ed4d4ca